Tất tần tật toàn bộ ứng dụng của Adobe

Nếu bạn làm trong lĩnh vực design, media, marketing hay photography bạn có thể đã sử dụng một hoặc nhiều ứng dụng trong bộ phần mềm Adobe Creative Cloud, chẳng hạn như Photoshop, Premiere và Lightroom đều là các ứng dụng tiêu chuẩn ngành trong ngành. 

Tất tần tật về các ứng dụng của Adobe bạn đã biết?

Hầu như tất cả chúng ta đều biết tới Adobe, sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp các sản phẩm của Adobe. Thế nhưng bạn đã bao giờ thắc mắc, có bao nhiêu ứng dụng Adobe và chúng làm những gì?

Sau đây là những ứng dụng Adobe phổ biến nhất, cùng công dụng của chúng. Bạn sẽ thấy ngạc nhiên, vì chúng nhiều hơn bạn tưởng tượng rất nhiều. Và với mọi nhu cầu bạn có thể cần tới, Adobe đều có các sản phẩm tương ứng!

🔥Adobe Photoshop: là phần mềm dùng để chỉnh sửa ảnh, thiết kế poster, banner… các ấn phẩm về ảnh nói chung.

Dĩ nhiên Photoshop là phần mềm Adobe nổi tiếng nhất, tới mức từ “photoshop” trở thành một động từ tương đương với “chỉnh sửa ảnh” hoặc “ghép ảnh“.

Có một đặc điểm quan trọng: Adobe Photoshop làm việc với ảnh và pixel (điểm ảnh), vì thế khi phóng to ấn phẩm, các pixel sẽ bị vỡ và không còn giữ được chất lượng tốt nhất.

🔥Từ đó, chúng ta có Adobe Illustrator, là phần mềm thiết kế sử dụng thuật toán và vector, đảm bảo chất lượng cho việc in ấn kích thước lớn.

🔥Để in ấn, chúng ta cần thiết kế layout in ấn, từ đó Adobe InDesign ra đời.

🔥Để làm layout in ấn, chúng ta cần kết hợp giữa bài viết, ảnh, tiêu đề… với nhau. Từ đó, để giúp mọi người có thể kết hợp và làm việc nhanh chóng cùng nhau trên một ấn phẩm, Adobe InCopy có mặt.

Lại quay trở lại với Photoshop.

Photoshop là một phần mềm xử lý ảnh chuyên nghiệp, tuy nhiên với nhiếp ảnh gia vốn có hàng trăm, hàng ngàn bức ảnh cần được xử lý nhanh chóng, Photoshop không đáp ứng được. Vì thế Adobe Lightroom ra đời.

🔥Lightroom là phần mềm quản lý thư viện và chỉnh sửa hàng loạt ảnh, người dùng có thể chỉnh sửa độ sáng, tương phản, màu… hàng ngàn tấm ảnh chỉ với vài click. Adobe Lightroom không thể chỉnh sửa chi tiết tới từng pixel như Photoshop, nhưng với một lượng lớn ảnh cần xử lý hàng loạt, Lightroom cực kỳ hữu dụng. Chúng ta có thể lọc ra một số ảnh đã được xử lý qua bằng Lightroom và sau đó tiếp tục chỉnh sửa chuyên sâu bằng Photoshop.

🔥Chúng ta có ảnh, nên chúng ta cần quản lý ảnh. Vậy là Adobe Bridge xuất hiện.

Adobe Bridge là phần mềm giúp chúng ta quản lý, tìm kiếm và xem các file đa phương tiện.

Bạn có thể hỏi: Thế chẳng phải giống Lightroom bên trên rồi sao?

Cũng khá giống, nhưng Adobe Bridge đa năng hơn, quản lý được nhiều định dạng file hơn, có thể kết hợp với các phần mềm Adobe khác chứ không chỉ quản lý file ảnh như Lightroom.

🔥Tiếp đến, chúng ta có Adobe Premiere Pro.

Adobe Premiere Pro là phần mềm biên tập video để tạo nên các video chúng ta vẫn xem. Từ video Youtube cho tới phim bom tấn, tất cả đều có thể được tạo nên bởi anh chàng này. Bạn có thể cắt ghép, chỉnh sửa nhiều clip nhỏ, thêm chữ, hiệu ứng, âm thanh và sau đó xuất chúng ra các định dạng video.

Adobe Premiere Pro có thể thêm chữ, hiệu ứng và âm thanh, bạn nhớ rồi chứ? (1)

🔥Nhưng để chuyên về hiệu ứng, Adobe After Effect xuất hiện. After Effect (AE) là một phần mềm rất mạnh, có thể tạo ra rất nhiều hiệu ứng khác nhau cho video clip. Có thể coi nó như Photoshop cho video vậy.

Bạn có thể hỏi: Nhưng nếu mạnh như thế rồi, ta cần gì Premiere Pro nữa?

À, bởi vì AE chỉ có thể làm việc với 1 video cùng lúc. AE không được thiết kế để chỉnh sửa tạo ra video cuối cùng. Bạn cần xuất video từ AE ra và cho vào Premiere Pro để có thành phẩm.

Vậy làm thế nào để có thành phẩm?

🔥Bạn cần đến Adobe Media-Encoder.

Adobe Media-Encoder là công cụ dùng để kết xuất video bạn đã tạo ra từ Premiere Pro/After Effect. Adobe Media-Encoder sẽ nén video to đùng của bạn lại, chuyển đổi nó thành định dạng và độ phân giải phù hợp để nó có thể xem được ở nhiều thiết bị khác nhau.

Vậy, nếu bạn đi quay phim về, có rất nhiều đoạn video thô cần cắt và sắp xếp thì sao?

🔥TADA! Adobe Prelude đến đây!

Adobe Prelude là công cụ chỉnh sửa video thiên về cắt thô và sắp xếp video. Một dự án quay có thể có nhiều giờ quay, từ nhiều camera khác nhau. Việc Adobe Prelude có thể làm là cắt bỏ các phần thừa, đánh dấu và phân loại các video trước khi chuyển chúng sang cho nhóm biên tập chính thức.

(Có thể coi quan hệ giữa PreludePremiere như là LightroomPhotoshop vậy, một bên quản lý, phân loại, chỉnh sửa hàng loạt và một bên biên tập chuyên sâu)

Adobe Premiere Pro có thể thêm chữ, hiệu ứng và âm thanh, bạn nhớ rồi chứ? (2)

🔥Nhưng để chuyên về âm thanh, Adobe Audition xuất hiện! Audition là phần mềm chuyên dùng để ghi, chỉnh sửa và mix âm thanh.

🔥Adobe Flash: phần mềm dùng làm animation 2D, game và ứng dụng đơn giản. (Những năm trước đây, game và các video animation sử dụng flash rất thịnh hành trên Internet. Nhất là ngày mình mới dùng máy tính những năm 2004-2005, trong máy tính tràn ngập những game, video flash)

🔥Có một phần mềm tên gần giống nó: Adobe Flash Builder, cũng được dùng để làm game và ứng dụng, nhưng thiên về lập trình hơn là animation.

Làm xong flash rồi thì cần một phần mềm đánh giá, phân tích xem nó có vấn đề gì không, từ đó một anh tên Adobe Scout ra đời =))

Nhưng bây giờ đã là năm 2023, thời cực thịnh của Flash đã đi qua rồi. Những công nghệ mới và tốt hơn như HTML5 đã ra đời, vì thế Adobe đã đổi tên Flash thành Adobe Animate, thêm một vài chức năng mới để bạn có thể xuất animation của mình làm ra dưới nhiều định dạng hơn, bao gồm cả HTML5.

🔥Adobe Air là hệ thống cho phép bạn xây dựng ứng dụng, game có sử dụng Animate, cho các hệ điều hành Android, iOS.

🔥Adobe Character Animator: phần mềm giúp bạn làm video, phim hoạt hình nhanh chóng từ các nhân vật 2D kết hợp với biểu cảm khuôn mặt của bạn. Với Character Animator, bạn không cần phải chỉnh sửa từng khung hình (frame-by-frame) một cách phức tạp nữa.

🔥Adobe Dimension: phần mềm tạo hiệu ứng 3D cơ bản cho ảnh 2D, ứng dụng trong quảng cáo, thiết kế bao bì.

🔥Nói về 3D, lại có Adobe Fuse – cũng là phần mềm tạo mẫu 3D, nhưng thiên về con người.

🔥Adobe XD: công cụ thiết kế trải nghiệm người dùng (UX – user experience) cho các ứng dụng web hay ứng dụng di động. Bạn có thể nhanh chóng phác ra giao diện mẫu cho app của bạn để mọi người cùng bàn bạc và thảo luận, trước khi đội dev bắt tay vào code.

Để đưa cái giao diện này lên web, bạn cần dùng Adobe DreamWeaver. DreamWeaver là phần mềm giúp bạn tạo website mà không cần đến code, mặc dù vẫn có những công cụ về code rất mạnh.

🔥Bạn đã từng dùng file PDF chứ? Chắc chắn là rồi đúng không? Để xem được file PDF, bạn cần có Adobe Acrobat Reader. Để tạo được file PDF, bạn cần có Adobe Acrobat Pro. Vậy là thêm 2 công cụ nữa.

👉Tổng cộng đã có những gì rồi nhỉ, bạn có thể đếm được không? Mình liệt kê lại cho bạn nhé:

  1. Photoshop: chỉnh sửa ấn phẩm ảnh tĩnh (dạng pixel)
  2. Illustrator: thiết kế ấn phẩm ảnh tĩnh (dạng vector)
  3. Indesign: thiết kế layout in ấn
  4. Incopy: hỗ trợ xử lý văn bản in ấn
  5. Lightroom: quản lý thư viện ảnh
  6. Bridge: quản lý thư viện media
  7. Premiere Pro: biên tập video
  8. After Effect: tạo hiệu ứng, kỹ xảo video
  9. Media-Encoder: kết xuất, chuyển đổi định dạng video
  10. Prelude: quản lý thư viện video
  11. Audition: chỉnh sửa, mix âm thanh
  12. Flash: làm animation, game flash 2D
  13. Scout: phân tích, đánh giá hiệu năng Flash
  14. Animate: như Flash, có thêm tính năng hỗ trợ HTML5
  15. Air: làm ứng dụng, game
  16. Character Animator: làm video, hoạt hình nhanh từ ảnh 2D & biểu cảm gương mặt
  17. Dimension: tạo hiệu ứng 3D cơ bản cho ảnh
  18. Fuse: tạo hình ảnh mẫu người 3D
  19. XD: thiết kế giao diện trải nghiệm người dùng
  20. Dreamweaver: thiết kế website
  21. Acrobat Reader: đọc file PDF
  22. Acrobat Pro: tạo file PDF

Adobe bán tất cả các phần mềm trên trong một gói, được gọi là Adobe Creative Cloud, với giá khoảng $70 một tháng (giá trên trang chủ Adobe, còn chúng ta ở Việt Nam thì thông thường có cờ-rắc :)))

🔥Adobe Stock: nơi bạn có thể mua ảnh, video, thiết kế… của những người bán phục vụ cho công việc của mình.

Nhưng nếu muốn mua font, bạn phải đến Adobe Typekit.

🔥Adobe Behance: nơi bạn đăng các tác phẩm sáng tạo của mình lên cho cộng đồng sáng tạo toàn thế giới chiêm ngưỡng và PR bản thân.

Nhưng nếu bạn muốn quảng bá bản thân trên website của chính bạn, có Adobe Portfolio sẽ giúp bạn tạo một website đơn giản.

🔥Bạn là người dùng cơ bản và thấy Photoshop, Premiere… quá thừa với mình? Có Adobe Photoshop-elements và Adobe Premiere-elements là các phiên bản đơn giản hơn, ít tùy chọn hơn của các ứng dụng trên phù hợp với bạn.

🔥Nhưng nếu bạn muốn đơn giản hơn nữa, thậm chí không muốn tải ứng dụng về? Vậy thì có Adobe Spark – ứng dụng thiết kế online giúp bạn thiết kế các ấn phẩm cơ bản.

🔥Adobe ColdFusion: nền tảng phát triển ứng dụng web thương mại.

Chưa hết đâu.

Hầu hết các ứng dụng chúng ta đã nhắc tới đều hướng tới các công việc sáng tạo, nhưng ở các lĩnh vực khác, Adobe vẫn có những sản phẩm dành riêng.

🔥Adobe Experience Cloud (trước đây là Adobe Marketing Cloud): các công cụ trợ giúp việc marketing trực tuyến (phân tích, đánh giá số liệu, insight khách hàng…)

🔥Adobe Photoshop-express, Adobe Premiere-clip, Adobe Illustrator-draw, Adobe Lightroom-for-mobile: các app chỉnh sửa đơn giản cho di động.

🔥Adobe RoboHelp: công cụ tạo trợ giúp người dùng (Help). Các file trợ giúp của các phần mềm, website… có thể được làm từ RoboHelp.

🔥Adobe Presenter: công cụ làm slide.

🔥Adobe Captivate: công cụ tạo các khóa học online.

🔥Adobe FrameMaker: công cụ dùng để viết các tài liệu kỹ thuật lớn.

…còn rất, rất nhiều nữa, nhưng tạm thời dừng ở đây thôi.

Bài viết thuộc www.vozshare.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *